LÊN RỪNG XUỐNG BIỂN
Số 175 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Liên hệ: 0902121482
Thời gian mở cửa: Từ 8h30 sáng đến 21h tối.
Một buổi trưa ngày cuối tháng 11, tới chợ phiên Lùng Phình là một lần như vậy. Và mặc dù chuyện ăn uống với một kẻ ham ăn như tôi chẳng bao giờ là một vấn đề cỡ bự, những thứ tôi được thử ở Chợ phiên Lùng Phình xứng đáng được liệt vào “Top các món ăn kinh dị nhất khu vực Tây Bắc” trong “cuốn cẩm nang du lịch thần thánh nhất Việt Nam” (tất nhiên do tôi kiến tạo ra).
Chợ phiên Lùng Phình thuộc huyện Bắc Hà, Lào Cai
Một cô bé từ Si Ma Cai với một bó xúc xích xiên, một bó nấm thái lát được xiên sẵn qua mấy que nứa, lê la bán từ chợ phiên Cán Cấu xuống tới phiên chợ Lùng Phình. Em bảo tôi mỗi nơi em ở lại vài giờ. Sáng sớm lúc còn đông thì ở chợ Cán Cấu, tầm gần trưa một chút thì em lại xuống phiên chợ sắp tàn ở Lùng Phình ngồi tới hết trưa tranh thủ bán nốt chỗ nấm và xúc xích.
Xúc xích tôi chẳng biết em nhập ở đâu, nhưng nấm tôi hỏi thì em cũng chẳng biết chắc là loại nấm gì nữa. Tôi mua cho em 2 xiên nấm không rõ tên và nguồn gốc với giá 4 ngàn, trả sau,…vì phải chờ em nướng lại nên tôi đi khắp chợ một vòng mới trở lại thanh toán.
Những lát nấm thái mỏng nướng đi nướng lại không biết bao nhiêu lần, mùi hơi khét, dai, khô và vị nhạt toẹt. Và mặc dù tôi cũng chưa có dịp được nhai một miếng săm xe máy bao giờ, nhưng cảm giác khi ăn nấm nướng ở phiên chợ Lùng Phình trong trí tưởng tượng của tôi hình như chẳng khác cái chuyện này là mấy!
Nấm nướng của em gái mang từ Si Ma Cai tới phiên chợ Lùng Phình
Tôi đang nhòm một bà chủ hàng phở từ viewfinder của một cái máy DSLR cảm biến Crop APS – C qua một cái ống kính đang zoom ở tiêu cự 135mm, chợt thấy một cánh tay từ phía “chủ thể” giơ lên vẫy vẫy, mắt nhìn về phía ống kính, miệng cười tít để lộ hàm răng rất trắng và đều đặn.
Vậy là tôi lò dò chạy lại quán phở. Chưa ngồi cho chạm cái mông xuống ghế tôi đã thấy một bác trai ngồi ở bàn bên cạnh, mặt đỏ phừng phừng, nhìn sang tươi cười thân thiện có phần thái quá:
“Ăn phở đi, phở ngon lắm, làm lấy hai bát. Phở này là phở gạo đỏ của người Phù Lá đấy, dân tộc này ít lắm, chỉ ở vùng này mới có thôi.” – Bác nói liền một hồi bằng cái giọng ngất ngưởng vì đã đang sẵn kha khá…Vi-ta-men-nôn trong máu!
Ở chợ Lùng Phình các quán phở như vậy đầy rẫy, đi vào cổng chợ một cái là thấy liền hai dãy dài bán phở. Khoảng hơn 10 giờ sáng nhưng người ăn vẫn rất đông. Có quán chẳng còn chỗ ngồi, ngược lại có vài quán rất vắng vẻ.
Bánh phở của người dân tộc Phù Lá tạo thành sợi rất to, màu hơi đỏ do được nhuộm bởi một thứ lá cây rừng, hay phẩm công nghiệp mà tôi cũng không rõ.
Phở người Phù Lá nơi đây có hai loại phổ biến là phở gà và phở chân giò. Nước dùng thì chung một nồi to tướng. Khác biệt duy nhất giữa hai loại phở này có lẽ chỉ là vài miếng chân giò hay thịt gà chặt sẵn bày lẫn lộn trên một chiếc mâm.
Người Phù Lá ăn phở cùng với lá húng, có vị mát mát như lá bạc hà. Lá húng ở Lùng Phình cũng có viền răng cưa nhưng thon dài, mặt sau có màu nâu đỏ như lá tía tô, trông rất khác với lá húng ở vùng đồng bằng mà tôi thường thấy.
Người Phù Lá thường ăn phở gạo đỏ kèm với lá húng
Bà chủ tay vừa mới cầm nắp vung, đũa, quai nồi, củi… thì “bốc” luôn một nhúm phở cùng 4 miếng ức gà. Rồi bà lại quay ra phía nồi nước nghi ngút khói, hý hoáy một hồi lâu mới cầm bát phở quay lại.
Bát phở mới đầu trông khá hấp dẫn, nhưng tới khi nếm thử, tôi mới nhận ra nước phở chỉ sặc sụa vị lờ lợ của mỳ chính, gần như chẳng thể cảm nhận được bất cứ vị gì khác. Phở từ bột gạo cũng không mấy đặc biệt. Ngồi xem bà chủ làm xong cho mình bát phở tôi cũng đâm cảm thấy ghê ghê không dám ăn, chỉ đụng tới vài sợi bánh phở cho biết rồi bỏ lại cả bát.
Bát phở gạo đỏ của người Phù Lá
“Ngon chứ, ăn đi rồi lần sau tới lại ăn tiếp nhé!” – Bác trai ban nãy thỉnh thoảng lại quay sang, vẫn gật gù nhưng luôn tươi cười thân thiện để lộ hàm răng úa vàng cùng…mẩu rau dính trên kẽ.
Cho tới lúc chuẩn bị về, tôi hỏi bác mới biết bác và bà chủ quán phở là vợ chồng. Tôi cười cảm ơn hai bác vì những nụ cười đầy thân thiện và hồn hậu, nhưng trong đầu kỳ thực tự nhủ sẽ chẳng bao giờ dám thử ăn lần hai. Món phở gạo đỏ đó làm tôi thấy nhớ nhung mãi, nhưng theo hướng chẳng thể tích cực tí tẹo nào.
Củ trâu, chứ không phải củ ấu trâu.
Đó là một thứ “củ”, thon dài từng khúc 30cm, tối màu, y đúc màu…da trâu. (Phải chăng cái tên “củ trâu” sinh ra là vì thế?). Củ trâu khi sờ vào thấy mát mát, ấn vào thì mềm mềm, giống hệt như ấn vào một miếng bắp bò mà hồi bé tôi thường “táy máy” lúc theo mẹ ra chợ.
Người ta ăn củ trâu sống chứ không cần qua chế biến. Bà bác người H’Mông Hoa trên tay lúc nào cũng sẵn một nửa củ xắt ra ăn luôn miệng, cười tươi rói rồi mời tôi mua một cách…cuồng nhiệt. Thấy tôi nói muốn ăn thử là rất nhanh, bà cầm con dao nhỏ xắt ngay một miếng to bự bằng hai ngón tay cái, dúi dụi vội vàng vào đống bột canh tôm rồi đưa cho tôi, suýt còn tính đút luôn cho tôi nữa!?
Tôi đón “miếng củ trâu” từ tay bà, nhón nhón cho vào miệng, ngậm trong mồm một lát rồi cũng thử nhai.
“Miếng củ trâu” vị tanh nồng nặc, bùng nhùng trong miệng kiểu như thạch mà cũng chẳng khác gì một miếng thịt sống đã bắt đầu chuyển sang trạng thái ôi thiu. Tôi nhăn nhó rồi quay ra nhổ vội, từ dạ dày lên tới cổ họng là một cơn buồn dữ dội nôn ập đến, càng lúc càng trực chờ để trào hết cả ra.
Mọi người đứng xung quanh tôi phá lên cười rất to. Một ông chú khoảng trung niên bán cam trên một chiếc xe tải chạy lại nãy giờ xem tôi “thử” cái củ dị hợm, thì ghé sát vào tai tôi vừa cười vừa lầm rầm.
“Mẹ đúng là dân tộc”
“Kinh quá chú ạ” – Tôi nhăn nhó
“Kinh thật chưa, vãi đái ra quần luôn chứ hả?” – Rồi ông chú lại cười phá lên rất sướng.
“Sắp!”
Rồi tôi cũng nhăn răng ra cười …góp vui. Tay xua lấy xua để, tôi cảm ơn bà cô người H’Mông rồi quay đi chuồn gấp.
Mà cơn buồn nôn vẫn chưa chịu rời.
“Củ trâu” ở chợ phiên Lùng Phình
Trong cuốn sách “cẩm nang về du lịch” do tôi soạn thảo (chưa thèm xuất bản thôi), phần về Ẩm thực chắc chắn không thể thiếu mấy món ăn này. Vì lý do này khác, chúng kinh dị, thậm chí tởm lợm. Nhưng không phải vì thế mà đáng để tôi phải quá khắc sâu trong tâm trí mà quan trọng, với tôi chúng là “những cái mốc ký ức” của mỗi chuyến đi trong đời.
Tôi luôn tự nhủ nếu không thử khi có thể, tôi sẽ mất đi một cơ hội to đùng để trải nghiệm và hiểu hơn về con người và văn hóa mỗi địa phương. Có thể tôi quá tham khi thử quá nhiều, nhưng nhờ chúng mà tôi có thêm những câu chuyện thú vị kiểu như bài viết này. Và bởi thế nếu bỏ qua, chợ phiên Lùng Phình hay các nơi khác chắc chắn sẽ bớt đẹp đi mấy bội.
Vậy nên, có “Kinh dị vãi ra quần”, tôi cũng chẳng bao giờ từ chối.